Chứng nhận 500 Doanh Nghiệp Tư Nhân lớn nhất Việt Nam 2017
Đón nhận danh hiệu 500 Doanh Nghiệp Tư Nhân lớn nhất Việt Nam
Buổi lễ trao giấy Chứng nhận 500 Doanh nghiệp Tư nhân lớn nhất Việt Nam 2017 được long trọng tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/01/2018
Buổi Lễ công bố có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, các Đại sứ, Tham tán thương mại của các nước và tổ chức quốc tế như Canada, Bỉ, Malaysia, Indonesia, Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc;…. lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa… Cùng các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông uy tín, và hơn 400 đại diện tiêu biểu đến từ các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report cũng công bố danh sách Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất năm 2017 – Top 50 Vietnam the Best 2017, đây là những doanh nghiệp xuất sắc và tiêu biểu trong VNR500 năm 2017. Đồng thời, với mục đích ghi nhận thành quả của những doanh nghiệp uy tín trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp trong các ngành là dược phẩm và du lịch, lữ hành, Vietnam Report cũng tôn vinh Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín, Top 10 Công ty Dược Việt Nam uy tínvà Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2017 trong khuôn khổ lễ công bố năm nay. Những tên tuổi được vinh danh đều là các mảnh ghép quan trọng trong bức tranh khởi sắc của nền kinh tế Việt năm 2017, với những thành tựu xứng đáng được ghi nhận.
Nhân sự kiện lần thứ 11 tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 và trước bối cảnh kinh tế thế giới đang biến chuyển không ngừng trong làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0, Vietnam Report cũng chính thức giới thiệu Báo cáo thường niên: Sách trắng song ngữ Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Nền kinh tế số và Quốc gia khởi nghiệp”. Báo cáo cho thấy Việt Nam đang có sẵn những nền tảng như vị trí địa chính trị – kinh tế thuận lợi, dân số trẻ và tỉ lệ dân số sử dụng Internet cao, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng trưởng khởi sắc, sự đồng thuận của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời những triển khai bước đầu đã thu về hiệu quả nhất định. Tuy vậy, theo khảo sát của Vietnam Report với cộng đồng doanh nghiệp VNR500, nhiều doanh nghiệp còn chưa coi trọng và triển khai công nghệ số trong hoạt động của doanh nghiệp. Hai nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp còn dè dặt áp dụng công nghệ trong tiến trình số hóa là do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn (chiếm 40,6% phản hồi) và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (35,9%). Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam là một xu thế tất yếu và sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế giúp Việt Nam tiến gần đến thịnh vượng và phát triển bền vững, sự chủ động từ phía doanh nghiệp là cần thiết và cần được triển khai nhanh chóng, đồng thời cùng với những hỗ trợ về chiến lược, chính sách, khuôn khổ pháp lý từ phía Chính phủ.